Cha mẹ ở TP.HCM không muốn làm 'gánh nặng' cho con, U.50 để dành tiền về già vào viện dưỡng lão:

Khi con đưa mình vào viện dưỡng lão, tôi bất ngờ và không bằng lòng nhưng...

05/01/2024 09:33 GMT+7

Sống cùng con tại nhà mặt tiền phố, bà M.K (81 tuổi) luôn cô đơn như 'chim nhốt trong lồng' vì cả ngày ở nhà một mình. Vào viện dưỡng lão, bà thấy khỏe ra có thêm nhiều bạn già, con cháu vào thăm mỗi cuối tuần.

Bị đột quỵ liệt nửa người bên trái và bệnh ung thư, ông N.V.P (62 tuổi) từng bất mãn khi bị con đưa vào viện dưỡng lão

Sau một thời gian, ông lại thấy đây là lựa chọn sáng suốt của con bởi ở viện dưỡng lão ông có y tá chăm sóc, tập vật lý trị liệu mỗi ngày và có thêm nhiều người đồng cảnh ngộ cùng chia sẻ, bầu bạn. 

Bầu bạn tuổi già

Chiều tà, trong không gian sân vườn ngập cây xanh, gió nhè nhẹ ở huyện Củ Chi, các ông bà cụ ra khoảng sân bên ngoài trò chuyện sau giờ tập vật lý trị liệu. Người ngồi xe lăn, người ngồi ghế đá, độ tuổi, sức khỏe khác nhau nhưng câu chuyện của họ cứ vậy tiếp nối ngày qua ngày.

Ông N.V.P (62 tuổi) có 2 con trai làm cơ quan nhà nước. Vợ chồng ông ở cùng với con trai lớn tại quận Phú Nhuận. Sau lần ông bị đột quỵ liệt nửa người bên trái và thêm căn bệnh ung thư, con trai lớn hỏi ý kiến và đưa ông đến viện dưỡng lão.

Khi con đưa mình vào viện dưỡng lão, tôi bất ngờ và không bằng lòng nhưng...- Ảnh 1.

Cụ già tập vật lý trị liệu tại viện dưỡng lão tư nhân

Vũ Phượng

"Tôi bất ngờ và không bằng lòng vì nghĩ rằng ở nhà còn vợ con, tại sao con lại đưa tôi vào đây, phải chăng vì ở nhà tôi là gánh nặng. Nhưng tôi cũng chấp nhận, vào đây 1 tuần vợ con và các cháu vào thăm một lần. Dần dà được y tá chăm sóc, tập vật lý trị liệu và gặp nhiều người đồng cảnh ngộ tôi mới thấy con làm đúng. Lúc ở nhà, nhiều khi tôi muốn nhờ con làm giúp gì đó nhưng con còn công việc của con nữa, không thể nào ở nhà không chăm mình cả ngày", ông P. nói.

Gần 2 năm sống ở viện dưỡng lão, ông P. cho hay, tinh thần đã thoải mái hơn từ khi mở lòng đón nhận những điều mới mẻ. Cần gì, ông có thể gọi y tá hay nhân viên chăm sóc. Nhớ nhà, ông cũng có thể nhờ viện dưỡng lão đưa về thăm con cháu 1 – 2 ngày rồi lại vào.

Thăm dò ý kiến

Khi về già bạn sẽ vào viện dưỡng lão?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cụ bà L.T.D (82 tuổi, quê Tiền Giang) thì chỉ còn người thân duy nhất là chị hai đã 93 tuổi. Không lập gia đình, về già, bà D. được các cháu con của chị hai chăm sóc. Gần 1 năm trước, các cháu đưa bà vào viện dưỡng lão.

Bà D. băn khoăn: "Ở viện dưỡng lão có hợp không?". Người cháu khẳng định: "Mọi người đều niềm nở, tử tế". Dù còn lo lắng sợ bị bạc đãi, nhưng bà D. đồng ý vì không muốn các cháu quá bận tâm.

Trong viện dưỡng lão, bà D. được xếp phòng ở 6 giường cùng các cụ bà khác, nhân viên chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. 

Bà D. kể: "5 giờ sáng ngủ dậy tôi đi tập thể dục, ăn sáng, đi tắm rồi đi tập vật lý trị liệu. Mỗi ngày có người nhắc uống thuốc. Ngày mới vào chân tôi co rúm không đi được mà vào đây tập, châm cứu đến giờ đi lại được rồi. Biết chân tôi đau nên thấy tôi bước xuống giường là các cô lại nhắc cẩn thận. Cứ 2 tuần các cháu lại vào thăm, tiếp đồ ăn".

Mừng vì thoát cô đơn tuổi già

Tại một viện dưỡng lão ở Gò Vấp, không gian sân vườn không quá rộng, nhưng đổi lại, các cụ có không gian ở tầng trệt để xem ti vi, ăn uống và đón người nhà vào thăm. Mỗi phòng ngủ được kê 4 giường đơn có thanh chắn, ngăn cách giữa các phòng bởi những tấm bình phong. 

Trong khi đó, không gian chung của những cụ nằm liệt giường thì khá giống bệnh viện với đội ngũ điều dưỡng chăm sóc túc trực.

Khi con đưa mình vào viện dưỡng lão, tôi bất ngờ và không bằng lòng nhưng...- Ảnh 2.
Khi con đưa mình vào viện dưỡng lão, tôi bất ngờ và không bằng lòng nhưng...- Ảnh 3.

Các hoạt động được thiết kế để các cụ vừa rèn luyện vừa thư giãn

Vũ Phượng

7 năm trước, bà M.K (82 tuổi) tự xin con vào viện dưỡng lão để thoát cảnh cô đơn trong căn nhà 2 tầng 2 mặt tiền tại trung tâm TP.HCM. 3 người con của bà K. có điều kiện kinh tế tốt, trong đó có 2 người ở Mỹ.

Bà từng được con đưa qua Mỹ phụng dưỡng tuổi già nhưng không chịu nổi cái lạnh cắt da cắt thịt vào mùa đông nên bà về lại Việt Nam. Sợ bà phải đụng tay, đụng chân, con cháu luôn chuẩn bị sẵn cơm nước trước khi ra khỏi nhà.

"Ở nhà con cháu đi làm hết tôi ngồi chèo queo, tới giờ lấy cơm ra khỏi tủ lạnh hâm. Cứ ngồi coi ti vi suốt ngày, tôi ngồi như chim bị nhốt trong lồng. Ngồi trên lầu nhìn xuống đường thấy người ta đi lại, đi chợ mà thấy ham", bà K. kể lại.

Thăm dò ý kiến

Bạn có sẵn sàng đưa cha mẹ khi về già vào viện dưỡng lão?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Theo cụ bà, sở dĩ con cháu khóa cửa để bà ở trong nhà vì một lần bà đi lạc gặp tai nạn. Không chịu nổi sự cô đơn, bà chủ động nói con tìm viện dưỡng lão tư nhân gửi bà vào.

Khi con đưa mình vào viện dưỡng lão, tôi bất ngờ và không bằng lòng nhưng...- Ảnh 4.

Các cụ liệt nằm một tầng riêng, có nhân viên chăm sóc vệ sinh cá nhân, ăn uống và thăm khám như ở bệnh viện

Vũ Phượng

Bà K. hào hứng kể: "Ở nhà sướng cái là muốn ăn cái gì có cái đó, ở đây thì ăn tập thể. Nhưng ở đây bạn già chơi với nhau rất vui, tự do, bác sĩ chăm sóc mà tôi thấy khỏe ra. 6 năm vào đây đến giờ tôi không về nhà luôn. Tết ở lại đón giao thừa cùng bạn già. Con cháu mỗi tuần lại vào thăm, đem quà bánh vậy là mừng rồi".

"Tứ đại đồng đường" dần thay đổi

Đón nhận chăm sóc gần 2.000 cụ già trong 10 năm qua, ông Bùi Anh Trung, Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ cho biết, nếu các cụ còn khỏe mạnh, có thể tự chủ mọi sinh hoạt thì ở với con cháu vẫn là tốt nhất. Nhưng các cụ không tự chủ được sinh hoạt cá nhân, bị lẫn, bị bệnh gia đình có thể cân nhắc đưa các cụ vào viện dưỡng lão để được chăm sóc sức khỏe, có bạn già.

Với quan niệm "tứ đại đồng đường" của người Việt, ngày vừa mở cửa, viện dưỡng lão Bình Mỹ chỉ phục vụ 15 cụ và hiện tại là 450 cụ ở cả 3 cơ sở. 

Theo ông Trung, quan niệm này đã thay đổi nhiều trong 2 – 3 năm trở lại đây vì ở thành thị không gian sống bó hẹp, tỷ lệ sinh cũng thấp hơn trước.

Khi con đưa mình vào viện dưỡng lão, tôi bất ngờ và không bằng lòng nhưng...- Ảnh 5.
Khi con đưa mình vào viện dưỡng lão, tôi bất ngờ và không bằng lòng nhưng...- Ảnh 6.

Các cụ được tổ chức sinh nhật tại viện dưỡng lão

Vũ Phượng

"Ngoài chăm sóc sức khỏe, viện dưỡng lão còn chăm sóc tinh thần cho các cụ bằng các hoạt động tương tác hằng ngày, các sự kiện để rèn trí não, giao lưu, có người đồng trang lứa để các cụ chia sẻ, nói chuyện. Để tạo cảm giác thoải mái như ở nhà, các cụ được đi lại tự do trong khuôn viên, thèm món gì có thể nhờ nhân viên mua, đi ra ngoài khi có việc hoặc đón người quen vào thăm", ông Trung chia sẻ.

10 năm chăm sóc cụ già trong viện dưỡng lão, nhiều nhân viên ở đây nhận ra, dù quen với lịch sinh hoạt và các chương trình ngoại khóa, nhưng các cụ vẫn luôn mong ngóng con cháu đến thăm. Biết hôm nay con cháu vào thăm, có cụ dậy chuẩn bị từ 5 giờ sáng, mặc quần áo đẹp và ngóng trông.

Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ thừa nhận, mức phí hiện tại ở viện dưỡng lão trung bình từ 8 – 10 triệu/tháng, với những cụ yêu cầu chăm sóc cao hơn thì mức phí tăng lên – khá cao so với mức lương hưu của đại đa số người Việt làm công ăn lương hiện nay.

Ông Trung cho rằng, viện dưỡng lão ở Việt Nam không thiếu nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người già. "Chúng tôi mong cơ quan chức năng giải quyết bài toán về đất đai, vay vốn, đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng hệ thống dưỡng lão chuẩn hóa, có hành lang pháp lý cho người làm viện dưỡng lão để yên tâm hoạt động", ông Trung đề xuất.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.