24 July 2023
Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Bệnh Chuột Rút Ở Người Cao Tuổi
Chuột rút là một hiện tượng xảy ra bất ngờ và thường xuất hiện vào ban đêm khi đang ngủ. Tình trạng này khiến vùng cơ bị co cứng, gây đau nhức và cơ thể không thể cử động ngay thời điểm đó. Đặc biệt, người cao tuổi chính là đối tượng thường xuyên bị bệnh chuột rút bởi vì ở giai đoạn lão hóa, cơ bắp và hệ thần kinh hoạt động trở nên kém dần. Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên và kéo dài có thể gây nhiều bất tiện cho người già cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng Dưỡng lão Bình Mỹ tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị bệnh chuột rút ở người già.
Nội dung
Hiện tượng bị chuột rút là bệnh gì?
Bệnh chuột rút hay còn được gọi với một cái tên khác là vọp bẻ. Vậy thì vọp bẻ là gì? Đây là hiện tượng gây ra các cơn đau bất ngờ vì các cơ bị co mạnh và thắt chặt khi cử động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Thực tế cho thấy rằng, chuột rút thường xuất hiện ở người cao tuổi và xảy ra vào ban đêm. Điều này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ xuất hiện những căn bệnh khác gây hại đến sức khỏe người cao tuổi.
Thông thường, người cao tuổi hay có thói quen ngồi nằm nhiều, bởi do ít vận động nên khiến máu không được lưu thông để cung cấp oxy cho toàn bộ cơ thể. Chính vì điều này đã vô tình gây ra tình trạng bị chuột rút.
Thời điểm nào dễ bị chuột rút nhất?
Hiện nay, bệnh chuột rút vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hầu hết tất cả các nguyên nhân đều đến từ việc ít vận động, ngồi lâu trong một tư thế, trạng thái tĩnh khi ngủ vào ban đêm, không khởi động kỹ trước khi vận động thể dục, thể thao,… Không chỉ riêng người già mà mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi đều nguy cơ bị chuột rút.
Chuột rút vào ban đêm
- Bệnh chuột rút ở bắp chân thường xảy ra vào ban đêm vì ban ngày đứng trên nền cứng quá lâu khiến cơ bắp không hoạt động.
- Do thiếu nước.
- Tác hại của bệnh béo phì khiến chân phải chịu sức nặng cơ thể quá mức.
- Mang giày quá chật hoặc giày có gót quá cao.
- Tiêu chảy, toát nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải của cơ thể.
- Do ảnh hưởng tác dụng phụ của một số loại thuốc statin, prednison,… làm giảm lượng kali và magie trong cơ thể.
- Người mắc các bệnh lý phổ biến: Bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, thiếu hồng cầu,…
- Người mắc chứng rối loạn tuần hoàn, bệnh mạch máu chi dưới,…
Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai
- Phụ nữ mang thai thường bị bệnh chuột rút vào tháng thứ sáu thai kỳ và tình trạng thường sẽ kéo dài khi kích thước bụng ngày càng lớn.
- Phụ nữ mang thai thường bị chuột rút là do thiếu calcium, photpho, magnesium, do đôi chân phải chịu sức nặng của phần cơ thể bên trên, kéo theo đó là sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép gây ảnh hưởng đến các mạch máu ở chi dưới,…
Hội chứng chân không nghỉ
Hội chứng chân không nghỉ còn được biết đến là một rối loạn chuyển động không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân mắc hội chứng này thường có cảm giác khó chịu. Nhiều người cho rằng hội chứng này do rối loạn hệ thần kinh gây ra, thiếu chất dopamin ở não, gen di truyền hoặc do lượng khoáng sắt trong cơ thể không đảm bảo.
Một số yếu tố có liên quan đến hội chứng chân không nghỉ:
- Giới tính: Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều hơn ở nam.
- Độ tuổi: Bệnh này sẽ ít gặp ở độ tuổi thiếu niên và thường gặp nhiều ở độ tuổi từ 65 trở lên.
- Yếu tố gia đình: Có khoảng 2/3 người mắc bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình. Trong đó, thường xảy ra với đối tượng trước 40 tuổi.
- Phụ nữ có thai: Theo thống kê có khoảng 20% phụ nữ mang thai mắc căn bệnh này và thường hết bệnh sau sinh.
Chuột rút sau khi vận động
- Chuột rút thường xảy ra ở các vị trí có bắp thịt lớn như cẳng chân hay đùi.
- Nguyên nhân đến từ việc bắp chân vận động mạnh quá lâu dẫn đến bắp bị mỏi.
- Bắp thịt bị lắng đọng acid lactic sau khi vận động nhiều.
- Giữa các dây thần kinh và cơ bắp bị rối loạn dẫn truyền tín hiệu.
Vì sao người cao tuổi dễ bị chuột rút?
Độ tuổi nào cũng có khả năng bị bệnh chuột rút tay chân. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc nhiều nhất là ở người cao tuổi. Lý do đến từ những thói quen sau đây:
Đứng, ngồi hay nằm quá lâu
Người cao tuổi thường có thói quen đứng ngồi hay nằm một chỗ, một tư thế quá lâu và ít vận động. Nhất là vào ban đêm, khi cơ thể bắt đầu vào trạng thái nghỉ ngơi, tay chân không được vận động cũng là lý do để giải thích tại sao lại bị chuột rút bắp chân, bắp tay khi ngủ.
Mặt khác, người già thường mắc các bệnh về xương, khớp ảnh hưởng đến vận động, di chuyển và sinh hoạt hàng ngày nên khiến máu không lưu thông tốt, không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể, từ đó gây ra hiện tượng bị chuột rút.
Chơi thể thao quá sức – Nguyên nhân gây ra bệnh chuột rút phổ biến nhất
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ chuyên môn, người cao tuổi nên chọn các hoạt động tập luyện với những bộ môn thể thao nhẹ nhàng, tránh vận động quá sức. Bởi vì, khi chơi thể thao quá sức, cơ thể tiết ra lượng mồ hôi nhiều gây nên tình trạng mất nước. Khi mất nước nhiều nếu không bù nước kịp thời sẽ rất dễ gây ra hiện tượng chuột rút.
Người già có bệnh lý mãn tính
Người bị chuột rút thường xuyên là do cơ thể mắc các bệnh lý như: Đái tháo đường, loãng xương, rối loạn tuyến giáp, giãn tĩnh mạch ở chi dưới,… Những căn bệnh này chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây nên tình trạng chuột rút ở người già.
Thiếu hụt dưỡng chất ở người cao tuổi
Bệnh co rút chân tay ở người già xảy ra cũng do một phần cơ thể thiếu hụt các dưỡng chất như natri, kali, canxi. Điều này dẫn đến tình trạng cơ bị yếu đi và gây ra các chứng co thắt cơ, việc co giãn cơ mất cân bằng.
Các biểu hiện khi bị bệnh chuột rút là gì?
Các biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi bị chuột rút đó là cơ bị co cứng. Chân và tay xuất hiện cơn đau đớn dữ dội không thể cử động trong một khoảng thời gian, thông thường sẽ kéo dài khoảng một phút hoặc lâu hơn. Đa số bệnh chuột rút thường lành tính và có triệu chứng đơn độc.
Vì vậy trường hợp nếu người bệnh bị chuột rút kèm theo các dấu hiệu đi kèm như ăn nhiều, thèm đồ ngọt, tiểu nhiều, da nhợt nhạt hoặc có dấu hiệu đau chân dù đi quãng đường ngắn,… hãy đến các cơ sở y tế để khám bệnh, phòng ngừa các bệnh có liên quan như tắc nghẽn động mạch chân, bệnh đái tháo đường,…
Cách chữa bệnh chuột rút chân đối với người cao tuổi
Chuột rút ở người già gây ra rất nhiều khó khăn và bất tiện. Đặc biệt là tình trạng chuột rút vào ban đêm, triệu chứng thường diễn ra đột ngột gây đau đớn thậm chí là đau cực điểm khiến co quắp các ngón tay, ngón chân, bắp chân. Nếu bị chuột rút thường xuyên, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cách chữa trị khi bị chuột rút ngón chân, ngón tay nhanh nhất đó chính là người bệnh nên thả lỏng các cơ. Trường hợp bị vọp bẻ bàn chân hay bắp chân, cần cố duỗi thẳng chân và uốn cong các ngón chân về sau. Đồng thời kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng cơ bị co thắt để cho máu lưu thông bình thường, như vậy cơn đau sẽ giảm dần khi cơ hết co cứng.
Hoặc để chữa bệnh chuột rút bàn chân, người bệnh cũng có thể sử dụng các loại dầu nóng hoặc túi đá để chườm giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Đây được xem là một trong những mẹo chữa chuột rút nhanh chóng và được rất nhiều người sử dụng mỗi khi bị chuột rút.
Phòng ngừa bệnh chuột rút ở người cao tuổi
Cần bổ sung những khoáng chất gì khi bị bệnh chuột rút tay chân?
Phương pháp hiệu quả nhất để hạn chế bị chuột rút đó là xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học cho người già để giúp bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể.
Theo nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các cơ bị co thắt gây nên chuột rút xuất phát từ việc cơ thể thiếu hụt khoáng chất thiết yếu như: Canxi, Kali, Magie. Ngoài ra, các nhóm dưỡng chất như: Vitamin B, vitamin D cũng góp phần hạn chế chuột rút và cải thiện sức khỏe cơ bắp.
Natri cũng là khoáng chất giúp kiểm soát hoạt động co cơ. Vì vậy người lớn tuổi cũng nên bổ sung các loại thực phẩm chứa khoáng chất Natri vào khẩu phần ăn hàng ngày. Song song với đó, người bệnh cũng nên linh hoạt bổ sung khoảng 4700 mg khoáng chất Kali để duy trì hoạt động của cơ bắp, đảm bảo hạn chế được tình trạng chuột rút diễn ra.
Người cao tuổi hay bị chuột rút nên ăn gì?
Theo như phân tích, người già bị bệnh chuột rút nên bổ sung cho cơ thể đủ lượng khoáng chất và nước cần thiết để tránh các cơ bị co gây nên chuột rút. Thực phẩm chứa nhiều khoáng chất rất đa dạng, vì vậy hãy lựa chọn và linh hoạt thay đổi nhiều loại thực phẩm cho thực đơn hàng ngày.
Đu đủ là loại quả quen thuộc với người Việt. Hàm lượng khoáng chất có trong một quả đu đủ cung cấp khoảng 15% Kali, 19% Magie cần thiết cho 1 ngày. Đây là một trong các loại trái cây chứa nhiều khoáng chất có lợi cho cơ thể mà người cao tuổi nên lưu ý sử dụng thường xuyên.
Bên cạnh đu đủ, khoai lang cũng là một trong các loại thực phẩm phổ biến và chứa nhiều khoáng chất, vitamin. Theo nghiên cứu và thống kê, với 200g khoai lang, cơ thể sẽ được cung cấp khoảng 20% Kali và 13% Magie mỗi ngày.
Ngoài những thực phẩm kể trên, trong khẩu phần ăn dành cho người cao tuổi có thể đa dạng và thay đổi thực đơn linh hoạt bằng các thực phẩm như: Nước dừa, bơ, cá hồi,… Những thực phẩm này cũng là nguồn bổ sung khoáng chất dồi dào.
Biện pháp phòng ngừa bệnh chuột rút ở người cao tuổi
Một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa và hạn chế chuột rút diễn ra đó là có thói quen tập thể dục đều đặn, giúp lưu thông khí huyết thường xuyên. Theo lời khuyên từ bác sĩ, người bệnh đặc biệt là đối tượng người cao tuổi nên:
- Vận động cơ bắp nhẹ nhàng, giãn cơ trước khi ngủ vào buổi tối.
- Thường xuyên xoa bóp cơ bắp, co duỗi, xoay cổ tay, cổ chân vài lần.
- Tránh tắm nước quá lạnh vào buổi tối.
- Khi làm việc nhiều khiến mồ hôi ra nhiều cần bổ sung nước kịp thời hoặc có thể bổ sung oresol.
- Cần bổ sung đủ 1,5 – 2l nước mỗi ngày.
- Ăn nhiều rau trong bữa ăn, bên cạnh đó kết hợp bổ sung các loại quả như: Chuối, nho, bơ,…
- Nếu mắc các bệnh như: Loãng xương, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu,… cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để khám và kịp điều trị.
Như vậy, trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh chuột rút ở người cao tuổi mà bạn nên biết và lưu ý. Hy vọng với cẩm nang kiến thức này, bạn sẽ biết cách chữa trị chuột rút kịp thời. Đồng thời, biết được thêm những thực phẩm bổ sung cần thiết để cơ thể luôn đầy đủ dưỡng chất và tránh tình trạng co rút chân tay một cách bất ngờ.
Mọi thắc mắc và cần hỗ trợ về dịch vụ chăm người già xin vui lòng liên hệ đến Hệ thống Bình Mỹ qua những phương thức sau để được hỗ trợ kịp thời:
HỆ THỐNG DƯỠNG LÃO BÌNH MỸ
SĐT: 0789 7575 39
Email: vanphong@duonglaobinhmy.com
Địa chỉ: 3D Đ. Số 171, Bình Mỹ, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Website: https://duonglaobinhmy.com/
Tin nổi bật