22 May 2023
Dấu hiệu và cách điều trị rối loạn tiền đình ở người già
Chóng mặt, đau đầu, mất thăng bằng là những dấu hiệu rối loạn tiền đình mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt đây cũng là căn bệnh thường thấy nhất ở người già. Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không? Cách chăm sóc người già mắc bệnh lý này như thế nào? Trong bài viết hôm nay, Viện dưỡng lão Bình Mỹ sẽ giúp bạn giải đáp những lo lắng về căn bệnh này.
Nội dung
- 1 Rối loạn tiền đình là gì?
- 2 Phân loại và các triệu chứng rối loạn tiền đình
- 3 Nguyên nhân rối loạn tiền đình ở người cao tuổi
- 4 Các biến chứng của bệnh rối loạn tiền đình
- 5 Một số phương pháp chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình
- 6 Phương pháp điều trị rối loạn chức năng tiền đình ở người già
- 7 Cách phòng tránh bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả
Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình (tên gọi tiếng Anh là Vestibular Disorders) là tình trạng mất cân bằng của hệ thống thần kinh và mạch máu trong não, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường kết nối của nó.
Trong đó, dây thần kinh số 8 là dây thần kinh cảm giác đảm nhận 2 chức năng chính là cảm giác thính giác và cảm giác thăng bằng. Khi bộ phận này bị tổn thương sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, mất cân bằng, buồn nôn và thậm chí là ngất xỉu.
Phân loại và các triệu chứng rối loạn tiền đình
Hiện tại, rối loạn tiền đình được chia thành 2 dạng với các triệu chứng khác nhau bao gồm:
Rối loạn tiền đình ngoại biên
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này và các biểu hiện sẽ tùy thuộc vào tình trạng của bệnh. Một vài biểu hiện của bệnh trạng có thể kể đến như xuất hiện các cơn chóng mặt xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn hoặc xuất hiện khi thay đổi tư thế.
Đối với trường hợp bệnh nặng hơn, ngoài những cơn đau đầu dữ dội, người bệnh còn gặp phải những triệu chứng kèm theo như nôn ói rất nhiều và kéo dài, ù tai, thính lực giảm, nặng đầu, khó tập trung,… thậm chí không kiểm soát được thăng bằng hoặc không thể đi đứng.
Rối loạn tiền đình trung ương
Đây là tình trạng bệnh lý bắt nguồn từ các vấn đề về não và thân não. Tình trạng tiền đình này thường xảy ra khi bộ phận tai phía trong cùng với não bộ bị tổn thương khiến cho cơ thể mất đi khả năng duy trì sự cân bằng.
Những biểu hiện thường gặp của bệnh này bao gồm người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển hoặc khi thay đổi tư thế, bị choáng, chóng mặt và đôi khi sẽ xuất hiện những cơn nôn ói.
Nguyên nhân rối loạn tiền đình ở người cao tuổi
Bệnh có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Do căng thẳng, stress hoặc thường xuyên sử dụng rượu, bia…
- Do tình trạng cơ xương khớp bị tổn thương.
- Do bệnh viêm tai giữa, chấn thương mê lộ hoặc tắc nghẽn động mạch.
- Do bị thoái hóa cột sống cổ ảnh hưởng đến động mạch thân nền làm cho máu khó lên não hoặc rất ít.
- Do bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch.
- Do môi trường sống quá nhiều tiếng ồn, thời tiết thay đổi đột ngột,…
- Do căn bệnh thiếu máu não.
Các biến chứng của bệnh rối loạn tiền đình
Mặc dù rối loạn hệ thống tiền đình thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
Dễ trầm cảm
Hiện nay, trầm cảm là một trong những căn bệnh xuất hiện phổ biến ở hầu hết các độ tuổi và giới tính. Trong đó, tình trạng rối loạn hệ thống tiền đình kéo dài và lặp lại có thể gây ra ảnh hưởng đến tâm lý bao gồm các bệnh về lo âu, bệnh trầm cảm làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Dễ bị té ngã
Rối loạn tiền đình có thể gây ra những cơn đau đầu, chóng mặt khiến người bệnh bị mất thăng bằng và suy giảm khả năng đi lại, đặc biệt là đối với những người già có sức khỏe yếu. Điều này có thể khiến họ tự gây ra những tai nạn nguy hiểm cho chính bản thân và cả mọi người xung quanh.
Tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến
Nếu nguyên nhân gây ra là do hệ mạch máu não thì nguy cơ đột quỵ hoặc tái phát là rất cao, do đó cần phải được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Một số phương pháp chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm:
- Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào các biểu hiện như chóng mặt, mất thăng bằng và sự rung giật nhãn cầu để đưa ra kết luận về việc người bệnh có mắc phải rối loạn tiền đình hay không.
- Xét nghiệm: Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số kiểm tra cận lâm sàng nhằm củng cố cơ sở chẩn đoán bệnh bao gồm xét nghiệm cơ bản; siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống; chụp CT-Scanner sọ não và MRI sọ não để tìm các tổn thương; đo chức năng tiền đình bằng VGN (Ảnh động nhãn đồ).
Phương pháp điều trị rối loạn chức năng tiền đình ở người già
Việc điều trị bệnh không đúng cách hay dùng sai thuốc điều trị bệnh không chỉ làm lãng phí tiền bạc, công sức và thời gian mà còn có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở người cao tuổi. Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình ở người cao tuổi bao gồm:
- Điều trị phục hồi chức năng: Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng giúp rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ thống tiền đình đem lại hiệu quả rất lớn cho quá trình phục hồi chức năng ở các bộ phận đầu, cơ thể, thị giác.
- Luyện tập thể thao: Tập thể dục ở mức độ phù hợp sẽ giúp cho người cao tuổi tăng cường sức khỏe, đồng thời hỗ trợ phục hồi chức năng tiền đình một cách nhanh chóng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Đây là “chìa khóa vàng” trong việc cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Đặc biệt đối với những người cao tuổi, khi hệ miễn dịch suy giảm, tuổi càng cao làm cơ thể càng suy yếu và thiếu sức đề kháng. Việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lý khác.
- Sử dụng thuốc kê toa: Người già thường kèm theo một số bệnh lý nền khác nên hay sử dụng nhiều loại thuốc một lúc. Do đó, việc dùng cùng với thuốc điều trị rối loạn hệ thống tiền đình rất có thể gây ra một số tác dụng phụ khác. Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ đúng quy tắc và liều lượng thuốc do bác sĩ yêu cầu.
Thời gian điều trị bệnh rối loạn chức năng tiền đình phụ thuộc vào mức độ, phân loại, khả năng đáp ứng với các biện pháp chữa trị, có thể phục hồi trong một hai ngày hoặc kéo dài đến vài tháng. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng của bệnh lý, người bệnh cần được thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả
Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến ở người già hiện nay, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh căn bệnh này bằng những cách đơn giản như:
- Tập luyện thể thao điều độ.
- Hạn chế căng thẳng, lo âu.
- Không nên đọc sách báo khi ngồi trên ô tô, nên ngồi hoặc nằm xuống ngay khi xuất hiện cảm giác chóng mặt.
- Uống nước đầy đủ mỗi ngày.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: Rượu, bia hay hút thuốc lá…
- Tránh quay cổ một cách đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
- Khi xuất hiện dấu hiệu của bệnh lý, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo yêu cầu của bác sĩ.
Rối loạn tiền đình ở người cao tuổi sẽ không còn là vấn đề quá nghiêm trọng nếu có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để tình trạng bệnh kéo dài và trở nên nặng hơn. Hy vọng từ những thông tin trên, bạn đã có thêm những kiến thức về cách chữa rối loạn tiền đình để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình tốt hơn.
Mọi thắc mắc và cần hỗ trợ về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi xin vui lòng liên hệ đến Hệ thống dưỡng lão Bình Mỹ qua các phương thức sau:
HỆ THỐNG DƯỠNG LÃO BÌNH MỸ
SĐT: 0789 7575 39
Email: vanphong@duonglaobinhmy.com
Địa chỉ: 3D Đ. Số 171, Bình Mỹ, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Website: https://duonglaobinhmy.com/
Tin nổi bật