15 June 2023

Bệnh tiểu đường là gì? Nguyên nhân và cách điều trị tiểu đường

Bệnh tiểu đường đang trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Trên hết, việc kiểm soát tiểu đường yêu cầu sự thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống. Ngay bây giờ hãy cùng Viện dưỡng lão tư nhân Bình Mỹ tìm hiểu về căn bệnh tiểu đường và các phương pháp điều trị để cải thiện sức khỏe tốt hơn.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay còn được gọi là bệnh đái tháo đường – một dạng rối loạn chuyển hóa mãn tính rất phổ biến trên toàn cầu. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không thể sử dụng hoặc sản xuất insulin – một hormone quan trọng giúp điều chỉnh mức đường trong máu. Khi đó, mức đường trong máu tăng lên cao và cơ thể không thể tự điều chỉnh lượng đường trở lại mức bình thường.

Lượng đường trong máu nếu không kiểm soát được có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể. Bên cạnh đó, các tác động của tiểu đường còn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận và cơ quan quan trọng như mắt, thận, thần kinh và tim.

Bệnh tiểu đường có mấy cấp độ?

Tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là chứng rối loạn tự miễn do tế bào beta trong tổ chức tụy bị phá hủy, dẫn đến giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin. Tiểu đường tuýp 1 thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi, đặc biệt là người dưới 20 tuổi. Thông thường, triệu chứng bệnh xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh nên có thể phát hiện ở giai đoạn sớm.

Tiểu đường tuýp 2

Ở thể tiểu đường tuýp 2, tuyến tụy vẫn tiết ra insulin nhưng hoạt động bị giảm hoặc không có khả năng điều hòa mức đường trong máu do sự suy giảm chức năng của các tế bào beta trong tuyến tụy và kháng insulin. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thực tế, có khoảng 90 – 95% tổng số người mắc phải tiểu đường tuýp 2. Vì không có những triệu chứng rõ ràng nên việc phát hiện bệnh thường khó khăn và diễn ra muộn.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là một dạng bệnh tiểu đường đặc biệt xảy ra ở phụ nữ mang thai. Mặc dù tiểu đường thai kỳ thường tự giảm sau khi phụ nữ sinh con, nhưng quá trình mang thai vẫn tiềm ẩn các rủi ro cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, điều trị hiệu quả trong suốt quãng thời gian mang thai là cần thiết để ngăn ngừa các tác động xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Nguyên nhân bệnh tiểu đường là gì?

Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1

Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1

Nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1 chủ yếu là do tế bào beta trong tuyến tụy bị phá hủy, dẫn đến sự thiếu hụt insulin hoặc không có insulin. Đa số trường hợp tiểu đường tuýp 1 (khoảng 95%) là do cơ chế tự miễn (tuýp 1A), trong đó hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Điều này khiến bệnh nhân không có hoặc chỉ có rất ít insulin và đường glucose tích tụ trong máu thay vì được chuyển đến các tế bào.

Còn lại khoảng 5% trường hợp tiểu đường tuýp 1 không rõ nguyên nhân cụ thể (tuýp 1B). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đang tiếp tục để tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh này.

Vậy căn bệnh tiểu đường có di truyền không? Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 đã ghi nhận rằng khi có thành viên trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên. Điều này cho thấy có một yếu tố di truyền liên quan đến bệnh. Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng có thể đóng vai trò trong phát triển tiểu đường tuýp 1, ví dụ như phôi nhiễm với một số loại virus.

Nguyên nhân mắc phải tiểu đường type 2

Nguyên nhân của tiểu đường type 2 vẫn chưa được tìm hiểu một cách đầy đủ. Tuy nhiên cũng tồn tại một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh này. Điều quan trọng cần lưu ý là, không phải tất cả những người có yếu tố nguy cơ này đều mắc bệnh và cũng có những trường hợp không có yếu tố nguy cơ nhưng lại bị tiểu đường type 2.

Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tiểu đường type 2 bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Có tiền sử bố mẹ, anh chị em ruột, con mắc bệnh tiểu đường type 2 tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiền sử bệnh tiểu đường thai kỳ: Phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ trước đây có nguy cơ cao hơn mắc tiểu đường type 2 sau này.
  • Tiền sử bệnh tim mạch: Nếu đã từng mắc các bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch hoặc tăng huyết áp thì nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cũng tăng lên.
  • Ít hoạt động thể lực: Sự thiếu hoạt động thể lực và một lối sống không tích cực có thể tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất liên quan đến tiểu đường type 2. Sự tích tụ mỡ trong cơ thể đặc biệt là xung quanh vùng bụng có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh.
  • Rối loạn đường huyết và dung nạp đường: Rối loạn dung nạp đường và rối loạn đường huyết đói cũng có thể là yếu tố nguy cơ cho tiểu đường type 2.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có khả năng cao hơn mắc tiểu đường type 2.

Nguyên nhân mắc phải bệnh tiểu đường thai kỳ

Khi mang thai, nhau thai tạo ra những kích thích để duy trì thai kỳ. Những kích thích này có tác động lên các thụ thể insulin trên tế bào đích, làm tăng khả năng kháng insulin. Trong trường hợp bình thường, tuyến tụy sẽ sản xuất đủ insulin để vượt qua sức đề kháng này và điều hòa lượng đường trong máu. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin cần thiết, dẫn đến sự tích tụ đường trong máu và phát triển tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn. Bên cạnh đó, người có tiền sử gia đình mắc tiểu đường hoặc đã được chẩn đoán bị rối loạn dung nạp glucose cũng là những yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng mắc tiểu đường thai kỳ.

Dấu hiệu bệnh tiểu đường phổ biến nhất

Dấu hiệu bệnh tiểu đường phổ biến nhất

Triệu chứng xuất hiện của bệnh đái tháo đường tuýp 1

Triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 có thể diễn tiến nhanh và xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần. Dưới đây là những biểu hiện của bệnh tiểu đường thường gặp:

  • Cảm thấy đói và mệt: Do cơ thể không thể sử dụng glucose để cung cấp năng lượng cho các tế bào một cách hiệu quả, người bệnh có thể cảm thấy đói và mệt hơn so với bình thường.
  • Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều: Người bệnh thường cảm thấy khát nước liên tục và phải đi tiểu nhiều hơn so với người bình thường. Điều này xảy ra do lượng glucose trong máu tăng cao, khiến thận không thể hấp thụ tất cả glucose trở lại và dẫn đến thải nước nhiều hơn qua đường tiểu.
  • Khô miệng, ngứa da: Do việc mất nước qua đường tiểu nhiều, bệnh nhân có thể cảm thấy miệng khô và da khô, gây ra tình trạng ngứa da.
  • Sụt cân: Một số bệnh nhân có thể ăn nhiều nhưng vẫn mất cân sau vài tuần lễ. Điều này xảy ra do cơ thể không thể sử dụng glucose một cách hiệu quả và phải ly giải mô mỡ và mô cơ để cung cấp năng lượng.

Triệu chứng đặc trưng của đái tháo đường tuýp 2

Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 thường phát triển âm thầm và không rõ ràng, do đó, nhiều bệnh nhân không nhận thấy mình mắc bệnh cho đến khi có các biến chứng hoặc được phát hiện qua xét nghiệm glucose máu. Dưới đây là một số triệu chứng nổi bật và biến chứng của tiểu đường tuýp 2:

  • Nhiễm trùng nấm men: Bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nấm men. Nấm men sẽ tiêu thụ glucose, vì thế mà môi trường nhiều glucose sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh của nấm. Bệnh nhân có thể gặp nhiễm trùng ở các vùng ẩm ướt trên da như nếp gấp, giữa ngón tay, ngón chân, vùng dưới ngực hoặc vùng sinh dục.
  • Vết thương chậm lành: Một trong những biểu hiện của tiểu đường tuýp 2 là khả năng lành vết thương kém. Sự tăng đường trong máu có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu trong cơ thể, gây tổn thương đến hệ thần kinh và làm chậm lành các vết thương. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau hoặc tê ở chân, đây là biểu hiện của tổn thương thần kinh.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng và khó nhận biết. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ có thể trải qua một số biểu hiện như khát nước hơn bình thường, đi tiểu nhiều hơn. Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ thường được thực hiện trong giai đoạn thai kỳ 24 – 28 tuần bằng phương pháp dung nạp glucose.

Mắc bệnh tiểu đường có nguy hiểm không? Biến chứng nguy hiểm của bệnh

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một bệnh nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể tổn thương các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Dưới đây là một số biến chứng bệnh tiểu đường thường gặp:

  • Nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đột quỵ và đau tim.
  • Tổn thương dây thần kinh như bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Bệnh thận.
  • Tổn thương mắt như bệnh võng mạc và suy giảm thị lực.
  • Tổn thương ở chân như nhiễm trùng, vết loét không lành và nguy cơ cắt cụt chân.
  • Gây ra nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm.
  • Trầm cảm.

Đối với phụ nữ mang thai bị tiểu đường, cần phòng ngừa các biến chứng và theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và thai nhi. Các biến chứng có thể xảy ra ở trẻ bao gồm:

  • Tăng trưởng vượt mức.
  • Hạ đường huyết sơ sinh.
  • Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 khi trưởng thành.
  • Tử vong.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường thai kỳ cũng có thể gây ra các biến chứng cho người mẹ như:

  • Tiền sản giật.
  • Mắc tiểu đường thai kỳ ở các lần mang thai tiếp theo.

Cách điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả

Cách điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả

Có rất nhiều cách điều trị bệnh tiểu đường khác nhau, trong đó, việc thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày và tập luyện thể thao hợp lý là hai yếu tố quan trọng nhất. Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, do cơ thể không thể sản xuất insulin nên bắt buộc chỉ định bệnh nhân dùng insulin suốt đời. Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, nếu chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu thì nên sử dụng thuốc điều trị tiểu đường ở dạng uống hoặc tiêm để giúp ổn định mức đường trong máu.

Để kiểm soát bệnh tình không tiến triển nặng, người bệnh tiểu đường kiêng ăn gì và nên làm gì? Người bệnh nên theo dõi lượng carbohydrate và hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ. Thay vào đó, nên tăng cường tiêu thụ rau xanh và thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Ngoài ra, việc theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là rất quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường. Tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau theo thời gian, do đó bệnh nhân cần thường xuyên thăm khám và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc.

Cách phòng bệnh tiểu đường ở người cao tuổi

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong cách trị bệnh tiểu đường. Vậy bệnh tiểu đường nên ăn gì? Đối với những người cao tuổi bị tiểu đường, cần tuân theo một số nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn như sau:

  • Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể như tinh bột, chất đạm, rau củ, trái cây và chất béo.
  • Tránh làm tăng đường huyết quá nhiều sau mỗi bữa ăn.
  • Không nên để đường huyết quá thấp giữa các bữa ăn.
  • Thiết kế bữa ăn đơn giản và phù hợp với khẩu vị.
  • Cân bằng tỷ lệ các chất protein, chất béo và carbohydrate.
  • Đặc biệt, người già nên kiêng ăn gạo trắng, bánh mì, lục phủ ngũ tạng động vật, các thực phẩm chứa chất béo bão hòa và các loại hoa quả sấy khô vì chúng chứa một lượng đường rất cao, không hề tốt cho sức khỏe của người bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống thích hợp khi chăm sóc người già bị tiểu đường.

Vận động

Vận động giúp duy trì chỉ số đường huyết

Ngoài việc giảm chỉ số đường huyết và duy trì cân nặng ổn định, vận động còn mang lại nhiều lợi ích khác như giảm nguy cơ bệnh tim mạch và cải thiện tình trạng sức khỏe toàn thân. Theo khuyến cáo, bệnh nhân tiểu đường nên thực hiện vận động thể thao ít nhất 5 ngày trong tuần, với mỗi buổi tập kéo dài khoảng 30 phút. Tuy nhiên, mức độ và loại hình vận động có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng của mỗi người. Do đó, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn về bài tập phù hợp.

Trên đây là những thông tin cập nhật chi tiết nhất về bệnh tiểu đường, bao gồm nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa mà Viện dưỡng lão Bình Mỹ muốn chia sẻ cho bạn. Để có được sức khỏe tốt, hãy duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý và thường xuyên tập luyện. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến tiểu đường, hãy đi khám và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị phù hợp.

Mọi thắc mắc và cần hỗ trợ về dịch vụ chăm sóc người già phục hồi chức năng xin vui lòng liên hệ đến Hệ thống dưỡng lão Bình Mỹ qua những phương thức sau:

HỆ THỐNG DƯỠNG LÃO BÌNH MỸ

SĐT: 0789 7575 39

Email: vanphong@duonglaobinhmy.com

Địa chỉ: 3D Đ. Số 171, Bình Mỹ, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

Website: https://duonglaobinhmy.com/