05 August 2021
Cô đơn dai dẳng tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
Những người trưởng thành trải qua cảm giác cô đơn dai dẳng ở tuổi trung niên sẽ có nguy cơ mắc các chứng sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer khi về già cao hơn người bình thường, Hãng tin UPI dẫn một nghiên cứu mới cho hay.
Tình trạng cô đơn lâu ngày dễ dẫn đến bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu được nhóm chuyên gia Mỹ tiến hành dựa trên việc phân tích thông tin sức khỏe của 2.880 tình nguyện viên đã tham gia dự án “Nghiên cứu tim mạch Framingham” (do Viện Quốc gia Mỹ về tim, phổi và máu thực hiện tại thị trấn Framingham, bang Massachusetts, từ năm 1948) nhằm làm rõ mức độ liên quan giữa chứng cô đơn và sự khởi phát bệnh sa sút trí tuệ.
Theo đó, 74% người tham gia cho biết họ không cảm thấy cô đơn, 26% còn lại lần lượt cô đơn theo nhiều cấp độ. Sau 20 năm, ở nhóm người không cô đơn hay cô đơn không thường xuyên (từ 1 – 2 ngày/tuần nhưng không liên tục) sẽ có 7% bị sa sút trí tuệ, 6% mắc Alzheimer, trong khi tỷ lệ này ở nhóm cô đơn dai dẳng (từ 1 – 2 ngày/tuần và lặp lại liên tục) là gần gấp đôi, tương đương 13% và 11%.
Theo nhóm nghiên cứu, cô đơn là tình trạng thiếu kết nối hay giao tiếp giữa một người với các cá nhân khác trong xã hội. Dù không phải bệnh lâm sàng, nhưng nó kéo theo một loạt tác hại tiêu cực như căng thẳng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức hay đột quỵ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên sớm ý thức tác hại của cảm giác cô đơn và hạn chế nó để đảm bảo sức khỏe.
(Theo Thanh Niên)
Tin nổi bật