03 July 2023

Sỏi thận là gì? Nguyên nhân và cách điều trị sỏi thận 

Sỏi thận là bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và biết cách phòng ngừa cũng như điều trị đúng cách, có thể làm hạn chế bệnh lý này xảy ra. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng với  Viện dưỡng lão Bình Mỹ tìm hiểu về nguyên nhân hình thành và một số cách điều trị sỏi thận nhé. 

Bệnh sỏi thận là gì? 

Bệnh sỏi thận là gì? 

Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, là một loại bệnh lý được hình thành khi nồng độ chất khoáng và lượng muối trong nước tiểu tăng cao, sau đó lắng đọng lại ở thận và đường tiết niệu. Sau một thời gian, chúng sẽ kết tinh thành tinh thể canxi có hình dạng như hạt sỏi. Các viên sỏi nhỏ thường không gây đau vì được bài tiết khỏi cơ thể theo nước tiểu. Tuy nhiên, với viên sỏi có kích thước lớn hơn thì việc đào thải sẽ khó khăn và gây đau đớn. 

Khi đào thải, viên sỏi sẽ di chuyển xuống niệu quản, bề mặt sỏi cọ xát nhiều, làm tổn thương đường tiết niệu. Đối với viên sỏi thận có kích thước lớn khi bị kẹt sẽ gây tắc nghẽn, ảnh hưởng tới dây thần kinh thận. Điều này gây ra những cơn đau cho người bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng tắc ống dẫn nước tiểu do viên sỏi gây ra sẽ làm nước tiểu tồn đọng gây viêm nhiễm. Nếu sạn thận để lâu ngày sẽ là nguyên nhân gây ra bệnh suy thận. 

Các loại sỏi thận thường gặp

Một số loại sỏi thận thường thấy ở người mắc bệnh có thể kể đến như: 

  • Sỏi canxi: Là một dạng phổ biến, có khả năng tái phát cao và thường xuất hiện ở nam giới có độ tuổi từ 20 – 30 tuổi. Sỏi hình thành khi canxi kết hợp với oxalat, cacbonat, photphat kết tinh thành tinh thể lắng đọng thành sạn thận. 
  • Sỏi cystin: Là loại sỏi thường gặp ở bệnh nhân có chứng rối loạn cystin niệu di truyền.
  • Sỏi photphat: Chủ yếu là sỏi amoni magie photphat có kích thước lớn. Loại sỏi này gây nhiễm khuẩn proteus niệu.
  • Sỏi axit uric: Thường được gặp nhiều ở nam giới. Sỏi này hình thành khi axit uric trong cơ thể rối loạn chuyển hóa, nguyên nhân có thể đến từ bệnh gout.
  • Sỏi struvite là dạng sỏi thường xuất hiện ở nữ giới. Nguyên nhân là do tắc nghẽn đường tiết niệu dẫn đến viêm nhiễm. 

Nguyên nhân bị sỏi thận là gì?

Nguyên nhân gây nên sỏi thận đến từ đâu?

Một trong những nguyên nhân gây sỏi thận chủ yếu là do thói quen sinh hoạt. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân sỏi thận tiêu biểu khác như:

  • Người mắc bệnh có thói quen cung cấp ít nước cho cơ thể dẫn đến không đủ nước để tuần hoàn thận. Chính vì vậy, chức năng lọc nước của thận suy giảm. 
  • Người bệnh có chế độ ăn không hợp lý. Thức ăn chứa quá nhiều dầu mỡ, ăn quá mặn và thường xuyên sử dụng thức ăn chứa nhiều gốc ion như: Rau muống, cải,…cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
  • Thói quen nhịn tiểu cũng khiến nước tiểu tích tụ bàng quang nhiều. Về lâu dài sẽ khiến cho bể thận tích tụ chất khoáng và gây nên sạn thận. 
  • Cơ thể bị dị tật bẩm sinh về đường tiết niệu gây ra tình trạng tắc nghẽn. 
  • Không vệ sinh đường sinh dục và đường tiết niệu thường xuyên gây nhiễm trùng, làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
  • Sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây nên sạn thận: Thuốc lợi tiểu, thiazid,…

Những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sỏi thận

Sỏi thận có triệu chứng gì? Thông thường, bệnh lý này sẽ diễn ra âm thầm nhưng người mắc bệnh có thể đoán được triệu chứng sỏi thận thông qua những biểu hiện sau đây: 

Cơn đau bụng và đau ở thắt lưng

Sỏi thận đau ở đâu? Thực tế, vị trí đau sỏi thận sẽ xuất hiện từ thắt lưng xuống vùng mạn dưới sườn. Tiếp theo, cơn đau sẽ lan xuống xương chậu và dừng lại ở bụng dưới. Những cơn đau này hình thành do sạn thận di chuyển gây ra cọ xát làm tổn thương đường tiết niệu. 

Khó khăn khi tiểu tiện 

Một trong những dấu hiệu sỏi thận rõ nhất là bệnh nhân thường gặp khó khăn khi đi tiểu và thường tiểu buốt. Vì trong quá trình đào thải, các chất thừa di chuyển ra ngoài sẽ kéo theo sỏi làm đau rát và gây viêm nhiễm.

Nước tiểu lẫn cặn hoặc màu nước tiểu bất thường

Khi tiểu tiện, người bệnh sẽ thấy nước tiểu lẫn nhiều cặn bã bên trong được thải ra. Bên cạnh đó còn có hiện tượng nước tiểu xuất hiện màu bất thường và sẽ có mùi hôi. Nguyên nhân là do viên sỏi cọ xát nhiều gây viêm nhiễm đường tiết niệu. 

Xuất hiện tình trạng tiểu dắt và tiểu són

Người bệnh sẽ thường gặp phải tình trạng tiểu dắt và tiểu són. Đây chính là dấu hiệu bị sỏi thận rõ nhất, có thể nhận biết khi lượng nước tiểu ít đi và tiểu nhiều lần. Nguyên nhân đến từ việc sỏi di chuyển xuống niệu quản và bàng quang gây tắc đường nước tiểu. 

Nôn mửa hoặc buồn nôn 

Biểu hiện sỏi thận còn có thể xuất hiện là tình trạng nôn mửa hoặc buồn nôn. Điều này xảy ra do sỏi thận làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và dây thần kinh bụng, tạo ra cảm giác khó chịu ở dạ dày. Khi dạ dày co thắt sẽ gây nôn mửa.

Thường có cảm giác ớn lạnh 

Thường có cảm giác ớn lạnh 

Sạn thận thường gây nhiễm trùng đường tiết niệu, tình trạng này có thể khiến bệnh nhân sốt hoặc có cảm giác ớn lạnh. Cảm giác sốt và ớn lạnh là biến chứng nghiêm trọng do sỏi thận gây ra.

Không đi tiểu được

Triệu chứng không đi tiểu được là dấu hiệu của sỏi thận dễ nhận thấy nhất. Sỏi gây tắc nghẽn thận khiến cho việc đi tiểu trở nên rất khó khăn. Với trường hợp này, bệnh nhân nên đi khám và nghe tư vấn của bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời. 

Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?

Khi sỏi bị tắc nghẽn bên trong đường tiết niệu sẽ gây ảnh hưởng qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn chống đối 

Khi sỏi bị mắc kẹt ở đường tiết niệu, phần trên đường tiết niệu có vướng sỏi sẽ tăng lực co bóp để đẩy sỏi ra ngoài ở giai đoạn này. Lúc này, niệu quản và bể thận đều bị giãn nở, đài bể thận bị tác động bởi áp lực tăng đột ngột, gây nên cơn đau quặn thận. 

Giai đoạn giãn nở

Giai đoạn này được cho là hệ quả của giai đoạn chống đối. Sau giai đoạn chống đối khoảng 3 tháng, nếu không đẩy được sỏi ra ngoài, niệu quản, bể thận và đài thận đều sẽ bị giãn nở. Nhu động niệu quản đồng thời sẽ bị giảm. 

Giai đoạn biến chứng

Ở giai đoạn biến chứng, chức năng thận bị suy giảm dần. Vì viên sỏi bám dính vào niêm mạc sau một thời gian không di chuyển được. Niệu quản bị xơ dày, có nguy cơ bị hẹp lại. Nếu có hiện tượng nhiễm trùng thì tình trạng ứ mủ sẽ xuất hiện kèm theo. Thêm vào đó, sỏi tồn tại trong đường tiết niệu lâu ngày cũng sẽ là yếu tố thuận lợi cho việc tái nhiễm trùng gây viêm thận mãn tính, dẫn đến suy thận mãn tính. 

Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi thận chuẩn 

Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi thận chuẩn 

Bệnh nhân sẽ thực hiện nhiều biện pháp xét nghiệm để được chẩn đoán bệnh sỏi thận chính xác, từ đó giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. 

  • Siêu âm là phương pháp chẩn đoán sỏi thận khá hiệu quả, đơn giản và chi phí không cao. Bằng việc siêu âm, bác sĩ sẽ phát hiện sỏi, đồng thời cũng có thể tiên lượng được độ ứ nước của thận. Có một số trường hợp bệnh sỏi thận không có biến chứng rõ ràng nhưng được phát hiện thông qua siêu âm. 
  • Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp bắt buộc khi chẩn đoán sỏi thận. Vì kết quả của xét nghiệm nước tiểu sẽ cho thấy được nhiều tình trạng: Các giai đoạn, biến chứng, nhiễm trùng đường tiết niệu,… 
  • Phương pháp soi cặn lắng sẽ kết luận được loại sỏi đang tồn tại trong đường tiết niệu thông qua các thành phần của sỏi thận: các tinh thể Oxalat, phosphat, Calci,.. 
  • Phương thức pH nước tiểu sẽ cho biết đường tiết niệu có đang bị nhiễm trùng hay không. Nếu nồng độ pH > 6,5, vi trùng sẽ phân hủy Urê thành Amoniac. 
  • Sỏi hệ tiết niệu ở Việt Nam đa phần đều là sỏi cản quang. Vì vậy, phương pháp chụp X-Quang rất có giá trị trong việc chẩn đoán bệnh. Bằng phương pháp này, bác sĩ dễ dàng xác định vị trí sỏi cản quang, biết được kích thước, số lượng và hình dáng của sỏi. 

Điều trị bệnh sỏi thận như thế nào?

Điều trị nội khoa để giảm các cơn đau

  • Khi cơn đau quặn thận đang diễn ra, hãy giảm lượng nước nạp vào cơ thể.
  • Thuốc kháng viêm không steroid, tiêm tĩnh mạch Diclofenac (Voltarene ống 75mg) thường được bác sĩ sử dụng trong trường hợp này để hỗ trợ giảm đau. Nếu không có hiệu quả, thuốc chữa sỏi thận Morphin sẽ được cân nhắc sử dụng. 
  • Sử dụng thuốc giãn cơ trơn cũng là một cách trị sỏi thận nội khoa phổ biến.
  • Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được kê đơn dùng thuốc điều trị sỏi thận dạng kháng sinh. Tùy theo mức độ suy thận (đối với bệnh nhân bị suy thận) sẽ thay đổi liều lượng phù hợp.
  • Khi điều trị nội khoa với các cơn đau quặn thận không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật sớm để giải quyết vấn đề tắc nghẽn. Cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định dẫn lưu tối thiểu bể thận qua da hay mổ cấp cứu phụ thuộc vào các yếu tố như: Cơ địa bệnh nhân, số lượng và kích thước của sỏi, tình hình chức năng của thận,…

Những lưu ý khi điều trị nội khoa:

  • Đối với sỏi nhỏ trơn láng, người bệnh có thể tăng dòng nước tiểu bằng cách uống nhiều nước và sử dụng thuốc lợi tiểu. Viên sỏi có thể được đẩy ra ngoài nhờ nhu động niệu quản. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm thuốc viêm không steroid để giúp cho niêm mạc niệu quản không bị phù, cản trở đường di chuyển của viên sỏi. 
  • Đối với loại sỏi acid uric (sỏi không cản quang) kết tinh trong nước tiểu có độ pH <6 và có thể tan khi kiềm hóa. Điều trị sỏi không cản quang bằng cách: 
    • Uống trên 2 lít nước mỗi ngày, kiêng các chất kích thích và có chế độ ăn giảm lượng đạm và muối.
    • Kiềm hóa nước tiểu bằng thuốc trị sỏi thận Bicarbonate de Sodium 5 – 10g/ ngày và ức chế purine bằng Allopurinol 100 – 300mg/ngày. 

Điều trị nội khoa hậu phẫu mổ lấy sỏi

Người mắc bệnh cần lưu ý, điều trị sỏi thận sẽ không dứt điểm. Bởi vì, có nhiều nguy cơ khiến cho sạn thận tái phát trở lại như: 

  • Khi phẫu thuật vẫn còn sót sỏi.
  • Đường tiết niệu có những vị trí hẹp, vì vậy hệ tiết niệu vẫn tiếp tục lắng cặn và kết tinh thành sỏi. 
  • Đường tiết niệu chưa hết bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng niệu là nguyên nhân gây ra sỏi thận, nên cần phải điều trị dứt điểm nhiễm trùng niệu. Cách tốt nhất là nên điều trị nhiễm trùng tiết niệu bằng kháng sinh để đạt hiệu quả triệt để.

Phương pháp điều trị ngoại khoa

Phương pháp điều trị ngoại khoa

Bác sĩ quyết sẽ quyết định phương pháp điều trị dựa vào kích thước viên sỏi, vị trí của nó và giai đoạn tiến triển của bệnh.

  • Khi sỏi đã xuống niệu quản gần bàng quang, có thể dùng ống nội soi bán cứng và tia laser để phá, sau đó lấy ra ngoài. 
  • Khi viên sỏi ở trên cao, có thể sử dụng một ống mềm nội soi bằng cách đưa lên qua đường niệu đạo để tiếp cận sỏi. 
  • Khi sỏi ở trung thận, dùng máy tán sỏi qua da, sau đó đâm một lỗ trên thận nhỏ để phá sỏi. Phương pháp lấy sỏi qua da sẽ được sử dụng để trực tiếp lấy viên sỏi ra. Nếu viên sỏi khoảng 1cm thì sỏi có thể được tán ra ngoài cơ thể.

Cách phòng ngừa bệnh sỏi thận ở người già

Uống nhiều nước mỗi ngày 

Nguyên tắc đầu tiên cũng là nguyên tắc căn bản nhất là hình thành thói quen uống đủ nước mỗi ngày. Thói quen này giúp cho mọi người kể cả người già phòng ngừa bệnh sỏi thận hiệu quả. Nên lưu ý uống nước từ 2 – 2.5l mỗi ngày để bù được lượng nước mất đi do quá trình tiểu tiện, toát mồ hôi. Bởi vì chất lỏng có khả năng làm loãng các chất có thể tích tụ thành tinh thể ứ đọng trong thận. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với dạng nước tinh khiết.

Giảm các thực phẩm chứa lượng oxalat lớn 

Oxalat được biết là một loại axit tạo nên sỏi thận oxalat canxi. Lượng oxalat có nhiều trong các loại chất lỏng, thực phẩm và hoa quả như: Soda, socola, dâu tây, khoai tây, cà phê, hạnh nhân, cám lúa mì, đậu phộng,… Vì vậy, người lớn tuổi nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này trong bữa ăn để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ hình thành sỏi trong thận.

Giảm lượng muối có trong thức ăn

Nếu hấp thụ lượng muối quá nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đối với người già, trong chế độ ăn có lượng muối nhiều có thể gây ra bệnh cao huyết áp, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Vì hàm lượng lớn natri có trong muối ăn sẽ làm tăng quá trình bài tiết canxi qua nước tiểu. Đây là một trong những yếu tố chính gây ra bệnh sỏi thận. Do đó, khi xây dựng thực đơn cho người già trên 60 tuổi nên giảm lượng muối để ngăn ngừa hình thành sỏi trong thận. 

Giảm lượng đạm động vật và hải sản 

Những thực phẩm có lượng protein từ các loại thịt động vật đỏ, hải sản…. thường có tính axit cao. Vì vậy khi ăn những thực phẩm này sẽ khiến lượng axit trong nước tiểu tăng. Khi lượng axit tăng nhanh sẽ tạo ra sỏi thận axit uric, canxi oxalat. Vì vậy, người cao tuổi cần có chế độ ăn uống phù hợp bằng cách xen kẽ các bữa ăn eat clean hay thay thế protein động vật thành thực vật. Phương pháp này sẽ hạn chế tối đa quá trình hình thành sỏi thận, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. 

Hạn chế bổ sung lượng lớn vitamin C

Hạn chế bổ sung lượng lớn vitamin C

Vitamin C là một loại chất tốt cho sức khỏe, có đề kháng cao. Một phần của Vitamin C khi đưa vào cơ thể sẽ giúp tăng bài tiết oxalat nước tiểu. Tuy nhiên, có một phần sẽ chuyển hóa thành oxalat tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy, người cao tuổi không nên sử dụng Vitamin C quá nhiều và cần có chế độ ăn uống phù hợp để cung cấp đầy đủ chất. 

Cung cấp nhiều thức ăn giàu Canxi vào cơ thể

Việc lựa chọn nguồn canxi và sử dụng một cách hợp lý sẽ giúp người cao tuổi hạn chế được các nguy cơ hình thành sỏi thận. Trong khẩu phần ăn, nên kết hợp những thực phẩm chứa nhiều canxi để đẩy oxalat thoát ra ngoài qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu uống bổ sung canxi sẽ khiến oxalat đọng lại. Vì thế, nên tìm hiểu và biết cách chọn sử dụng canxi để phòng chống sỏi thận một cách hiệu quả. 

Có chế độ luyện tập đúng cách 

Ngoài việc có thói quen ăn uống hợp lý và một chế độ ăn khoa học, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp người già luôn khỏe mạnh, hạn chế các bệnh nguy hiểm. Một số bộ môn thể dục thích hợp với người già như tập dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe đạp,….Hãy tập thể dục hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, đồng thời còn còn giúp cơ thể khỏe mạnh, không mệt mỏi. 

Có thể thấy, sỏi thận là một bệnh lý không có biểu hiện rõ ràng khi mới hình thành nhưng nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, mỗi người cần lưu ý về chế độ sinh hoạt và ăn uống hằng ngày cũng như có phương pháp phòng ngừa hiệu quả để giảm rủi ro mắc bệnh và đảm bảo một sức khỏe tốt. Đừng quên theo dõi Bình Mỹ thường xuyên để cập nhật thật nhiều thông tin hữu ích về các phương pháp chăm sóc người cao tuổi an toàn, hiệu quả nhé. 

Mọi thắc mắc và cần hỗ trợ về dịch vụ chăm người già xin vui lòng liên hệ đến Hệ thống dưỡng lão Bình Mỹ qua các phương thức sau:

HỆ THỐNG DƯỠNG LÃO BÌNH MỸ

SĐT: 0789 7575 39

Email: vanphong@duonglaobinhmy.com

Địa chỉ: 3D Đ. Số 171, Bình Mỹ, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

Website: https://duonglaobinhmy.com/