03 September 2020
Căn bệnh đau nhức xương khớp ở người cao tuổi
Nội dung
1. Tổng quan bệnh đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi
Đau nhức xương khớp là căn bệnh thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Theo thống kê có khoảng 60% người trên 60 tuổi mắc bệnh về xương và tuổi càng cao thì tỷ lệ càng tăng.
Nhiều người cho rằng tình trạng đau nhức là do lão hóa tự nhiên thế nên họ cố gắng chịu đựng cơn đau. Thế nhưng ít ai biết rằng nếu không chữa trị thì cơn đau này sẽ chuyển sang mạn tính và làm ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí có khoảng 10% người bệnh không được chữa trị đã chuyển sang biến chứng trầm trọng, có thể là tàn tật.
Bệnh đau nhức xương khớp là bệnh phổ biến ở người cao tuổi gây ra những ảnh hưởng xấu đến đời sống thường ngày
Người cao tuổi có thể gặp tình trạng đau nhức ở bất cứ khớp nào trên cơ thể như cổ, lưng dưới, tay chân. Theo thống kê cho thấy những vị trí khớp thường bị đau nhức ở người lớn tuổi là:
-
Đầu gối: có khoảng 30.6% người bệnh đau nhức đầu gối và tỷ lệ tăng dần theo độ tuổi ở nữ giới.
-
Hông: tỉ lệ thấp hơn khớp gối với 17.5% và tỷ lệ cũng tăng dần theo độ tuổi.
-
Tay: có khoảng 13% đàn ông và 26% phụ nữ trên 70 tuổi được chẩn đoán đau ít nhất 1 khớp tay.
-
Cột sống: tỷ lệ khoảng 16.9 – 19% bệnh nhân bị đau cột sống.
2. Nguyên nhân gây ra đau nhức xương khớp ở người cao tuổi
2.1. Nguyên nhân cơ giới
-
Chấn thương: Những biến dạng thứ phát gặp sau tai nạn giao thông, té ngã,… gây ảnh hưởng đến khớp, các dây chằng khiến xương khớp bị tổn thương.
-
Thừa cân: Do béo phì gây ra áp lực cho các khớp nhất là khớp gối và lưng. Về lâu dài cơn đau sẽ chuyển thành mạn tính.
-
Ăn uống thiếu chất: Khi trẻ tuổi ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, nhất là thiếu hụt canxi, omega 3 sẽ làm gia tăng khả năng bị đau nhức xương khi về già.
Việc ăn uống thiếu chất dinh dưỡng đặc biệt là canxi, omega 3 gây ra tình trạng đau nhức xương khi về già
-
Chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Thói quen sử dụng chất kích thích như rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng ma túy,… cũng là tác nhân gây đau nhức xương khớp ở người cao tuổi.
-
Thay đổi thời tiết: Thời điểm chuyển giao giữa các mùa rất dễ làm cho người già gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là đau nhức về xương.
-
Ít vận động cơ thể: Người nào ít vận động cơ thể rất dễ bị cứng các khớp, máu vận chuyển đến khớp không thể tuần hoàn ổn định dễ gây ra tình trạng đau nhức xương.
-
Di truyền: Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh về xương khớp thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
2.2.1. Viêm xương khớp/thoái hóa khớp
Khi tuổi càng cao thì lớp đệm tự nhiên nằm giữa sụn khớp sẽ bị suy giảm khiến sụn bị mỏng, mòn, yếu, dễ bị tổn thương. Khi lớp sụn này biến mất, 2 đầu của xương sẽ cọ xát với nhau gây ra sưng, đau, không còn linh hoạt, có thể xuất hiện gai xương. Hiện tượng thoái hóa khớp thường diễn ra ở người có độ tuổi từ 40 – 60 và là 1 căn bệnh mạn tính.
2.2.2. Viêm khớp dạng thấp
Đây là 1 loại viêm khớp tự miễn, đa phần xảy ra ở các khớp nhỏ nhỡ. Bệnh này diễn ra khi hệ miễn dịch tấn công vào hệ thống khớp trong cơ thể gây nên tình trạng đau nhức. Bệnh nhân không được chữa trị sớm sẽ dễ gây ra biến chứng dính khớp hay biến dạng khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện ở những người tuổi từ 40 – 60 và nữ giới có khả năng mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
2.2.3. Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch là 1 túi nhỏ có chứa dịch bên trong đóng vai trò là 1 miếng đệm tại phần xương, gân và những cơ nằm gần khớp giúp con người cử động dễ dàng. Người bị viêm bao hoạt dịch là tình trạng các túi này chứa dịch và phù nề khiến khớp bị cứng và đau. Tuổi càng cao thì khả năng bị viêm bao hoạt dịch càng lớn nhất là những người làm các công việc liên quan đến vận động nhiều.
2.2.4. Thoát vị đĩa đệm
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu làm chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống. Bệnh nhân sẽ bị đau nhức ở vùng thoát vị và đau dọc theo dây thần kinh bị chèn ép. Tại Việt Nam, thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 30 – 60.
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân bệnh lý gây ra bệnh đau nhức xương khớp
2.2.5. Viêm gân xương bánh chè
Xương bánh chè là 1 đoạn xương nhỏ dạng hình tròn nằm ở trước khớp gối và có khả năng di chuyển, nghiêng hoặc xoay. Xương bánh chè có vai trò hỗ trợ chân đi đứng. Gân xương bánh chè có cấu tạo từ các sợi cơ có độ bền và dai. Khi chúng bị viêm nhiễm sẽ làm xảy ra tình trạng sưng tấy và gây đau nhức ở khớp gối.
2.2.6. Loãng xương
Đây là tình trạng xương bị giảm mật độ và mỏng dần. Tình trạng này làm cho xương trở nên giòn dẫn đến dễ gãy và bị tổn thương. Biểu hiện đầu tiên của bệnh loãng xương là đau lưng.
Cần lưu ý rằng có đến hơn 150 loại bệnh liên quan cơ xương khớp khác nhau là nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức xương khớp ở người cao tuổi. Trên đây chỉ là một số căn bệnh phổ biến thường gặp hiện nay.
3. Đau nhức xương khớp ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống bệnh nhân?
3.1. Mất ngủ
Người cao tuổi vốn đã khó ngủ nếu như bị đau nhức xương khớp sẽ càng dễ mất ngủ hơn. Việc thiếu ngủ sẽ khiến cho tình trạng đau nhức gia tăng với mức độ trầm trọng hơn.
3.2. Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
Những người cao tuổi bị đau nhức xương sẽ khiến cho khả năng thực hiện những hoạt động thường ngày như mặc quần áo, vệ sinh cá nhân,… bị suy giảm.
Tình trạng đau nhức xương sẽ khiến cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc thực hiện những hoạt động đơn giản thường ngày
3.3. Tăng cân
Tình trạng đau nhức xương khiến người cao tuổi ngại di chuyển, vận động và nhất là ngại tập luyện thể dục thể thao. Chính việc này đã khiến cho họ tăng cân và triệu chứng bệnh khớp nghiêm trọng hơn. Việc thừa cân cũng sẽ dễ gây ra những biến chứng nặng nề hơn như bệnh tiểu đường, cao huyết áp,…
3.4. Trầm cảm
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 đã chỉ ra mối quan hệ giữa bệnh trầm cảm và bệnh xương khớp. Nghiên cứu đã cho thấy rằng, tình trạng đau nhức xương gây tác động đến sức khỏe tâm thần. Có hơn 40% những người thực hiện nghiên cứu có biểu hiện trầm cảm do các triệu chứng viêm khớp gây ra.
3.5. Một số biến chứng khác
Những biến chứng có thể xảy ra do đau nhức khớp gồm có:
-
Hoại tử xương.
-
Gãy xương.
-
Viêm nhiễm và chảy máu ở khớp.
-
Thoái hóa gân và các dây chằng bao quanh khớp.
Nếu như chủ quan không chữa trị bệnh đau nhức xương dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân
Đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến và có thể chữa trị được ở người cao tuổi. Điều quan trọng là cần phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo bệnh và điều trị sớm.
(Nguồn: medlatec)
Tin nổi bật
22 November 2024
20 November 2024
Người cao tuổi bị đau bao tử nên ăn gì để dễ tiêu hóa và khỏe mạnh?
19 November 2024