23 June 2023

Sốc phản vệ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sốc phản vệ là phản ứng của cơ thể khi bị dị ứng, có thể xảy ra trong vài giây hoặc một vài phút sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Phản ứng này nếu nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, trong bài viết này hãy cùng Viện dưỡng lão Bình Mỹ tìm hiểu chi tiết về các thông tin cơ bản liên quan đến hội chứng này để có cách xử lý và phòng ngừa kịp thời nhé.

Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là một hội chứng lâm sàng dễ nhận biết và là một tình trạng phản ứng dị ứng cấp tính nặng, có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Phản ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn chất trung gian hóa học khiến bệnh nhân bị sốc, hạ huyết áp đột ngột, khó thở. 

Theo thống kê, tỷ lệ mắc loại bệnh này tại châu Âu có khoảng 4 – 5 trường hợp/10.000 dân, ở Mỹ là 58,9 ca/100.000 dân. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng trên thực tế , Việt Nam đã ghi nhận có nhiều ca bệnh tử vong do hội chứng này.

Nguyên nhân gây ra phản ứng sốc phản vệ

Hiểu một cách đơn giản, hiện tượng sốc phản vệ xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại các chất lạ. Phản ứng này hoàn toàn có lợi cho cơ thể khi các chất lạ đó gây hại như: Vi khuẩn, virus,… Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch ở một số người lại phản ứng quá mức, gây mẫn cảm với những chất vô hại. Lúc này hệ miễn dịch sẽ khởi động chuỗi các phản ứng hóa học dẫn đến hiện tượng dị ứng.

Các triệu chứng dị ứng cơ bản thường không đe dọa đến tính mạng, thế nhưng khi phản ứng dị ứng trở nên nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ. Phản ứng này hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là khi đối tượng đó đã gặp tình trạng phản vệ nhẹ trước đây. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bị sốc phản vệ nặng sau khi tiếp xúc với chất gây ra phản ứng dị ứng lần đầu tiên. Một số nguyên nhân sốc phản vệ thường gặp như:

  • Dị ứng với thuốc, đậu phộng, tôm, đậu nành, sữa,…
  • Côn trùng đốt như ong bắp cày, kiến ​​lửa,…
  • Mủ cao su, nọc độc,…
  • Hen suyễn
  • Do tập thể dục nhịp điệu, chạy bộ, đi bộ,… 
  • Ăn một số loại thực phẩm trước khi tập thể dục hoặc tập thể dục khi thời tiết nóng, lạnh hoặc ẩm ướt.
  • Do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau.

Người bệnh có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm dị ứng để tìm ra dị nguyên gây dị ứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người bị dị ứng không tìm được nguyên nhân và đó gọi là sốc phản vệ vô căn.

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị sốc phản vệ

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị sốc phản vệ

Với các tình trạng dị ứng thông thường sẽ có các biểu hiện như nổi mẩn, ngứa ngoài da,… Tuy nhiên, dấu hiệu sốc phản vệ sẽ là những vấn đề nghiêm trọng hơn và có nguy cơ gây tử vong. Đây cũng chính là sự khác biệt cơ bản giữa dị ứng và sốc phản vệ. 

Ngoài ra, sự khác biệt còn nằm ở vị trí biểu hiện dị ứng. Tình trạng sốc phản vệ thường đi kèm với cảm giác chóng mặt, xây xẩm, vã mồ hôi, phát ban trên da, nôn ói,… Người bệnh cần được cấp cứu sốc phản vệ khẩn cấp để tránh nguy cơ gây hại đến sức khỏe hay thậm chí là tính mạng.

Các triệu chứng lâm sàng khi bị sốc phản vệ ở một số cơ quan cơ thể như: 

  • Hệ hô hấp: Cảm thấy khó thở, hụt hơi, suy hô hấp cấp, phù thanh hầu, dây thanh đới, co thắt khí quản,… Những triệu chứng này kéo dài có thể dẫn đến phù phổi cấp do tổn thương.
  • Hệ tuần hoàn và huyết động: Nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp, áp lực động mạch giảm do giảm thể tích tống máu, giảm co bóp cơ tim,…
  • Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, lơ mơ, co giật toàn thân, có thể ngất xỉu hoặc hôn mê.
  • Tiêu hoá: Đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, tiêu chảy không kiểm soát, đôi khi chảy máu tiêu hoá.
  • Da liễu: Nổi mề đay toàn thân, phù Quincke hoặc phát ban đỏ ngứa.
  • Toàn thân: Có thể gây sốt, vã mồ hôi, rét run, mệt lả,…

Biến chứng của tình trạng sốc phản vệ

Biến chứng của tình trạng sốc phản vệ

Sốc phản vệ là tình trạng vô cùng nghiêm trọng, khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm nhanh. Thời gian xảy ra phản ứng thường kéo dài trong khoảng từ vài giây đến 30 phút, tốc độ càng nhanh thì tiên lượng càng xấu. Tình trạng nghiêm trọng hơn có thể là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng khác như:

  • Não tổn thương
  • Suy thận
  • Loạn nhịp tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Tử vong

Trong một số trường hợp, khi người bệnh có tiền sử tiềm ẩn trước đó thì tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, nếu người bệnh được điều trị sốc phản vệ càng sớm sẽ càng ít gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Cách chẩn đoán khi bị sốc phản vệ

Về cách chẩn đoán khi bị sốc phản vệ, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp chẩn đoán lâm sàng bằng cách xem xét các biểu hiện từ nhẹ tới nặng về da liễu, niêm mạc, tình trạng hô hấp, huyết áp,… Tuy nhiên, các biểu hiện da, niêm mạc có thể không xảy ra hoặc xuất hiện sau giai đoạn tụt huyết áp. 

Ngoài ra, cũng có trường hợp người bệnh xuất hiện tình trạng nhịp tim chậm trong khi huyết áp tụt. Vì thế, việc chẩn đoán và điều trị bệnh sẽ gặp khó khăn khi các triệu chứng này không xuất hiện đủ. Khoảng 20% những trường hợp bị sốc phản vệ không xuất hiện các triệu chứng ở da hay niêm mạc, một số khác lại xuất hiện triệu chứng ở hệ tuần hoàn như giảm huyết áp. Vì vậy, khi chẩn đoán sốc phản vệ cần lưu ý tới tất cả các triệu chứng, đặc biệt là hiện tượng trụy tim, tụt huyết áp sau khi đưa thuốc hoặc dị nguyên lạ vào cơ thể. 

Các cách xử trí khi bị sốc phản vệ

Các cách xử trí khi bị sốc phản vệ

Phản ứng sốc phản vệ rất hiếm khi xảy ra, nhưng việc cấp cứu khi xảy ra phản ứng cần được xử lý ngay lập tức để tránh đe dọa đến tính mạng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh mà bác sĩ sẽ có nhiều cách xử lý.

Trong trường hợp khẩn cấp

Nếu xung quanh bạn có ai đó bị sốc phản vệ với các triệu chứng như: Da nhợt nhạt, mạch đập nhanh hoặc yếu, khó thở, mất ý thức,… thì cần hành động ngay với các hướng dẫn sau đây: 

  • Gọi ngay đến số 115, hoặc bất cứ trợ giúp y tế tại địa phương.
  • Đảm bảo bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái và chân được nâng cao. 
  • Kiểm tra mạch đập, nhịp thở, hoặc các phương pháp sơ cứu khác nếu bạn có kỹ năng.
  • Tiêm thuốc điều trị cho bệnh nhân nếu họ có mang thuốc theo bên mình.

Dù diễn biến tình trạng bệnh nhẹ hay nặng thì cũng cần xử lý theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ, người bệnh đều phải dùng adrenalin. Việc bệnh nhân có tiên lượng tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng sớm và đủ liều adrenalin. Điều này cho thấy, việc cấp cứu người bị sốc phản vệ phải được thực hiện ở nơi có đầy đủ dụng cụ hỗ trợ y tế và đội ngũ y bác sĩ chuyên môn. Như vậy, khi bạn nghi ngờ bất kỳ người nào đó ở xung quanh có biểu hiện sốc phản vệ, cần nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để có phác đồ điều trị phù hợp.

Biện pháp điều trị lâu dài

Cho đến nay, vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm sự rối loạn hệ thống miễn dịch dẫn tới phản ứng sốc phản vệ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện theo những cách sau để phòng tránh và chuẩn bị kỹ khi phản ứng phản vệ xảy ra. 

  • Xác định và tránh các yếu tố gây dị ứng càng nhiều càng tốt.
  • Nếu người bệnh không thể xác định được nguyên nhân gây sốc thì nên gặp các bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được tư vấn và phòng tránh các phản ứng có thể đe dọa sức khỏe trong tương lai.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng thuốc khi có các bệnh lý cần điều trị y tế, bao gồm các bệnh răng miệng.

Sốc phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng, có thể gây tắt thở và dẫn đến tử vong. Vì thế, những đối tượng từng bị dị ứng nghiêm trọng hoặc có tiền sử về loại bệnh này thì nên đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Những phương pháp phòng ngừa sốc phản vệ

Những phương pháp phòng ngừa sốc phản vệ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng sốc phản vệ là tránh xa các chất gây ra phản ứng phản vệ. Thêm vào đó, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Đeo vòng cổ hoặc vòng tay cảnh báo y tế để giúp các nhân viên y tế biết tình trạng dị ứng và có phác đồ xử trí sốc phản vệ phù hợp.
  • Luôn mang theo các loại thuốc chống dị ứng khẩn cấp theo đề nghị của bác sĩ. Đồng thời, bạn cũng nên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc thường xuyên và đổi thuốc trước khi hết hạn.
  • Thông báo cho người thân, bác sĩ hoặc nhân viên nhà hàng về tình trạng dị ứng.
  • Nếu bạn dị ứng với thực phẩm, hãy đọc kỹ nhãn, bảng thành phần của các loại thức ăn bạn sử dụng. 
  • Nếu bạn dị ứng với phấn hoa, hãy cẩn thận khi ở ngoài trời. Đồng thời hạn chế sử dụng nước hoa, nước giặt quần áo có mùi thơm nồng. 
  • Cẩn thận khi tập thể dục nếu đã từng sốc phản vệ sau khi tập thể dục. Hãy ngừng tập thể dục nếu có các dấu hiệu phản ứng phản vệ.
  • Nếu bị dị ứng khi bị côn trùng đốt, hãy nhớ mặc áo quần dài và không đi chân đất trên cỏ. Giữ bình tĩnh nếu bạn ở gần các loại côn trùng, từ từ di chuyển ra xa và không vỗ đập côn trùng.
  • Luôn mang theo bộ cấp cứu thiết yếu, bao gồm cả dụng cụ tiêm tự động mà các bác sĩ tư vấn theo phác đồ sốc phản vệ riêng. Hãy chắc chắn rằng những dụng cụ này vẫn còn hạn sử dụng.
  • Khi tiêm thuốc, nếu xuất hiện những cảm giác khác thường phải ngừng tiêm và báo ngay với nhân viên y tế để có cách xử trí kịp thời. Ngoài ra, sau khi tiêm thuốc nên chờ 10 – 15 phút để phòng tình trạng sốc phản vệ xảy ra muộn.

Với những ai bị dị ứng hoặc đang chăm sóc người thân, chăm sóc người cao tuổi bị dị ứng,… cần nắm rõ tình trạng bệnh để xác định được nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp cho từng đối tượng. Khi hiểu rõ những phản ứng này và chuẩn bị kỹ càng, thì quá trình xử lý sẽ dễ dàng hơn.

Phản ứng sốc phản vệ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng phản ứng dị ứng, số lượng chất dị ứng, tốc độ hấp thụ, thời gian chờ cấp cứu,… Vì những lý do trên, để giảm nhẹ biến chứng xấu có thể xảy ra, Viện dưỡng lão Bình Mỹ khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn sàng các bước cấp cứu cơ bản để phòng ngừa biến chứa của sốc phản vệ, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để giảm thiểu những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Thông tin liên hệ:

HỆ THỐNG DƯỠNG LÃO BÌNH MỸ

SĐT: 0789 7575 39

Email: vanphong@duonglaobinhmy.com

Địa chỉ: 3D Đ. Số 171, Bình Mỹ, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh

Website: https://duonglaobinhmy.com/