05 July 2023
Những điều cần biết về bệnh Parkinson ở người cao tuổi
Parkinson là một chứng rối loạn thần kinh, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và thường xuất hiện ở nhóm người cao tuổi. Căn bệnh này khiến người bệnh không thể kiểm soát được cử động như rung lắc, cứng khớp, khó giữ thăng bằng,… Hầu hết những người mắc bệnh Parkinson đều phát hiện sau 60 tuổi, nhưng có khoảng 5 – 10% trường hợp khởi phát trước 50 tuổi. Vậy cụ thể bệnh Parkinson là bệnh gì? Bệnh Parkinson có nguy hiểm không? Tất cả những thông tin liên quan sẽ được Viện dưỡng lão Bình Mỹ tổng hợp và giải đáp ngay sau đây.
Nội dung
- 1 Bệnh Parkinson là gì?
- 2 Nguyên nhân gây bệnh Parkinson là gì?
- 3 Những biểu hiện phổ biến ở người già khi mắc bệnh Parkinson
- 4 Các giai đoạn của căn bệnh Parkinson
- 4.1 Giai đoạn đầu: Xuất hiện các triệu chứng một bên cơ thể
- 4.2 Giai đoạn 2: Xuất hiện thêm các triệu chứng ở hai bên cơ thể
- 4.3 Giai đoạn 3: Giảm phản xạ vận động, rất khó giữ thăng bằng
- 4.4 Giai đoạn 4: Hạn chế vận động hoặc chỉ di chuyển được một đoạn ngắn
- 4.5 Giai đoạn 5: Người bệnh không thể tự mình đi lại
- 5 Bệnh Parkinson có chữa được không? Biến chứng là gì?
- 6 Điều trị bệnh Parkinson ở người già như thế nào?
- 7 Một số phương pháp phòng ngừa bệnh Parkinson ở người cao tuổi
Bệnh Parkinson là gì?
Parkinson là một dạng rối loạn cấp cao của hệ thần kinh trung ương, thuộc nhóm các bệnh rối loạn vận động. Một số đặc điểm của căn bệnh Parkinson có thể kể đến như cứng cơ, run, dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp và có thể mất đi một số chức năng vận động vật lý. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này, nhưng một số nghiên cứu thống kê cho thấy, nam giới có tần suất mắc bệnh cao hơn nữ giới với tỷ lệ mắc bệnh là 1/500.
Người bệnh khi mắc phải Parkinson thường gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Parkinson thường không khởi phát ngay lập tức mà sẽ phát triển dần dần, thường bắt đầu ở một tay. Dấu hiệu phổ biến của bệnh lý này có thể khởi phát từ tình trạng run. Đồng thời, một số rối loạn bổ sung cũng sẽ gây ra độ cứng hay chậm của chuyển động.
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson là gì?
Cho đến hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân cụ thể gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, khi mắc chứng bệnh này, hàm lượng dopamine trong cơ thể sẽ bị giảm đi đáng kể. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh thuộc nhóm catecholamin, tập trung nhiều tại vùng hạch đáy của não. Chúng giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp, cử động các động tác khác nhau của cơ thể. Một khi những tế bào thần kinh giữ nhiệm vụ sản sinh ra dopamine bị thoái hoá và chết đi, nguy cơ mắc bệnh Parkinson sẽ tăng lên.
Khi tuổi càng cao, các tế bào não mất đi khả năng sinh sản ra dopamine khiến cơ thể bị thiếu hụt chất này. Do đó, người cao tuổi là đối tượng rất dễ mắc phải chứng Parkinson và sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân bệnh Parkinson như:
- Tuổi tác: Lượng Dopamine thường sẽ giảm ở người già
- Môi trường: Những người thường xuyên tiếp xúc với các hoá chất độc hại như: Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,…
- Chấn thương sọ não: Người có tiền sử chấn thương sọ não, viêm não cũng có nguy cơ mắc bệnh cao
- Di truyền: Nếu gia đình có người bị Parkinson thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh này.
- Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ mắc Parkinson cao hơn nữ giới.
Những biểu hiện phổ biến ở người già khi mắc bệnh Parkinson
Triệu chứng khi mắc Parkinson ở mỗi người là không giống nhau. Những biểu hiện sớm của bệnh tương đối nhẹ và không được người bệnh quan tâm. Cho đến khi các triệu chứng Parkinson có xu hướng trở nặng, dần ảnh hưởng đến hai bên cơ thể thì mới được chú ý và điều trị. Nhìn chung, bệnh Parkinson ở người già và người trẻ thường có các triệu chứng như: Run, căng cứng cơ, giảm vận động,… Cụ thể như sau:
Run rẩy
Run rẩy tay chân là dấu hiệu bệnh Parkinson thường gặp ở người già. Tình trạng run thường bắt đầu từ tay hay chân, sau đó dần lan ra cả hai bên cơ thể. Có hơn 70% người lớn tuổi khi bị Parkinson sẽ gặp triệu chứng này. Một số dấu hiệu khi bị run rẩy có thể dễ dàng nhận thấy như run ở ngón chân, ngón tay khi cử động, gắp thức ăn,… Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể run cả môi, lưỡi hoặc cằm.
Tình trạng run rẩy do bệnh Parkinson gây ra sẽ trái ngược hẳn so với chứng run vô căn hoặc run do tiểu não có vấn đề. Đối với chứng Parkinson, triệu chứng run sẽ nặng hơn khi ngồi nghỉ ngơi, trong khi các chứng run khác lại xuất phát từ nguyên nhân vận động. Mặc dù đây là một triệu chứng điển hình của Parkinson, nhưng không phải bệnh nhân nào mắc bệnh này cũng sẽ bị run tay, chân. Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 15% người mắc bệnh lý này không hề bị run tay trong suốt quá trình bị bệnh.
Căng cứng cơ
Ngoài chứng run rẩy, bệnh nhân Parkinson còn có thể gặp thêm tình trạng căng cứng các cơ bắp, khiến họ gặp khó khăn khi cử động. Khi chất dẫn truyền thần kinh dopamine ngày càng thiếu hụt, triệu chứng này dần nặng hơn.
Chuyển động kém linh hoạt
Biểu hiện của triệu chứng bệnh Parkinson rất đa dạng, bao gồm những dấu hiệu như sau:
- Các hoạt động dần trở nên chậm chạp.
- Cử động cơ mặt khó khăn, ít biểu lộ cảm xúc khi nói chuyện, ít khi chớp mắt.
- Viết chậm hơn và chữ viết của bệnh nhân sít lại, nhỏ dần đi.
- Lưng còng xuống khi đứng, khi đi hai tay khép sát vào cơ thể.
- Bước chân ngắn, đi chúi ra phía trước, khó xoay trở về tư thế ban đầu.
- Khó giữ thăng bằng, hay bị té ngã, đi đứng khó khăn.
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ bao gồm mất ngủ, buồn ngủ, ngủ ngày, cử động chu kỳ trong khi ngủ và rối loạn hành vi trong giấc ngủ. Người bệnh mắc chứng rối loạn giấc ngủ thường thiếu hụt dopamine. Do đó, các triệu chứng của bệnh Parkinson có thể trở nặng.
Sa sút trí tuệ
Khoảng 40% trường hợp mắc bệnh Parkinson sẽ phát triển thành sa sút trí tuệ, thường khởi phát sau 70 tuổi và khoảng 10 – 15 năm sau khi chẩn đoán. Tình trạng sa sút trí tuệ ảnh hưởng chủ yếu đến trí nhớ, khởi phát chậm hơn và thường không thể hồi phục.
Một số biểu hiện thường gặp khác của bệnh Parkinson
Ngoài các triệu chứng kể trên, bệnh Parkinson ở người già còn có biểu hiện khác như:
- Thay đổi giọng nói: Khàn, phát âm khó nghe, nói nhỏ hơn.
- Dễ cáu gắt, mệt mỏi, trầm cảm.
- Suy giảm trí nhớ.
- Rối loạn hệ thần kinh thực vật: Tăng tiết mồ hôi, nước bọt,…
- Vận động chậm chạp.
- Gặp khó khăn khi nuốt hay chảy nước dãi, làm rớt thức ăn, đồ uống từ miệng.
Các giai đoạn của căn bệnh Parkinson
Parkinson thường tiến triển qua 5 giai đoạn phổ biến sau đây:
Giai đoạn đầu: Xuất hiện các triệu chứng một bên cơ thể
Đây là giai đoạn nhẹ nhất, các biểu hiện sẽ chưa rõ rệt và không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống thường ngày nên dễ bị bỏ qua. Trong thời điểm này, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như sau:
- Run ở một bên của cơ thể với mức độ nhẹ, có thể bị bỏ qua.
- Người thân khi chăm sóc người già, bạn bè có thể nhận ra sự thay đổi về dáng điệu, cách vận động và biểu cảm ở người bệnh.
Giai đoạn 2: Xuất hiện thêm các triệu chứng ở hai bên cơ thể
Đến giai đoạn này, các dấu hiệu run rẩy sẽ rõ hơn, dáng đi bị thay đổi do cứng cơ, khó cử động. Sự tiến triển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 có sự dao động từ vài tháng tới nhiều năm. Đây cũng là giai đoạn mà các biểu hiện bệnh xuất hiện dần rõ rệt hơn ở hai bên cơ thể. Cụ thể như sau:
- Khó khăn trong việc đi lại và duy trì khả năng thăng bằng khi đứng.
- Các cơ xuất hiện tình trạng cứng, khó cử động.
- Run rẩy xuất hiện nhiều và rõ rệt hơn.
- Bắt đầu gặp khó khăn trong sinh hoạt như: mặc quần áo, tắm gội,…
Khi bệnh Parkinson tiến triển qua giai đoạn này cũng là lúc người bệnh phải dùng thuốc Parkinson để điều trị và kiểm soát các triệu chứng.
Giai đoạn 3: Giảm phản xạ vận động, rất khó giữ thăng bằng
Giai đoạn 3 được coi là giai đoạn bước ngoặt của Parkinson. Ở giai đoạn này, người bệnh có thêm một số dấu hiệu của bệnh lý phổ biến như:
- Vận động chậm chạp rõ ràng hơn.
- Khó giữ thăng bằng khi đi hoặc đứng.
- Dễ té ngã và gặp khó khăn khi thực hiện công việc hàng ngày.
Đây cũng là lý do vì sao người bệnh Parkinson hay té ngã ở giai đoạn này. Dù bị ảnh hưởng khá nhiều nhưng người bệnh vẫn có thể tự vận động, chưa phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ từ người khác. Việc điều trị bằng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu vẫn có thể cải thiện các triệu chứng ở giai đoạn này.
Giai đoạn 4: Hạn chế vận động hoặc chỉ di chuyển được một đoạn ngắn
Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn. Việc đi lại trở nên cực kỳ khó khăn, các cơ bị co cứng khiến bệnh nhân Parkinson chỉ đi được một đoạn ngắn. Vì thế, họ không thể thực hiện được các công việc thường ngày do cứng cơ, vận động chậm chạp và cần sự hỗ trợ từ người thân. Ngoài ra, hàng loạt biến chứng như khô miệng, rối loạn cảm giác, loạn thần,… sẽ xuất hiện do bệnh bệnh tiến triển cùng với tác dụng phụ của thuốc.
Giai đoạn 5: Người bệnh không thể tự mình đi lại
Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh Parkinson, lúc này các cơ bắp cứng đờ, người bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào việc chăm sóc của người thân. Ngoài khó khăn trong việc vận động, người bệnh còn gặp phải các vấn đề như giao tiếp và trí nhớ, chẳng hạn như: Nói lắp, khó nói rõ chữ, suy giảm trí nhớ,… Việc dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson ở giai đoạn này gần như không còn tác dụng.
Bệnh Parkinson có chữa được không? Biến chứng là gì?
Parkinson không phải là một bệnh lý nguy hiểm cấp tính, không gây tử vong. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh có thể gây cản trở lớn đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Parkinson nếu không được điều trị có thể trở nặng và khiến người bệnh có nguy cơ bị tàn phế sau 5 – 7 năm. Tuy nhiên, vẫn có các phương pháp điều trị để ngăn chặn quá trình bệnh Parkinson phát triển.
Những biến chứng của Parkinson khi bệnh tiến triển kéo dài có thể kể đến như:
- Gặp khó khăn về nhận thức: Người bệnh có thể sa sút trí tuệ, khó khăn trong diễn đạt. Vấn đề này thường không thể điều trị mà chỉ có thể can thiệp làm chậm tiến triển.
- Trầm cảm, dễ thay đổi cảm xúc: Lo lắng, sợ hãi hoặc mất động lực trong quá trình điều trị có thể khiến người bệnh rơi vào trầm cảm.
- Khó khăn khi nhai nuốt: Việc ăn uống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng như ứ đọng nước bọt và gây chảy dãi, mắc nghẹn, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.
- Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, trằn trọc, ngủ nhiều vào ban ngày,… là những vấn đề mà người bệnh Parkinson thường gặp phải. Tình trạng rối loạn giấc ngủ thường kéo dài và cần hỗ trợ bằng thuốc để cải thiện.
- Tiêu hóa và tiểu tiện: Khi các cơ hoạt động chậm đi khiến việc tiêu hóa gặp khó khăn, dẫn đến táo bón. Người bệnh còn mất kiểm soát bàng quang gây tiểu khó hoặc tiểu không kiểm soát.
Điều trị bệnh Parkinson ở người già như thế nào?
Parkinson không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể sử dụng các phương pháp khác như: Thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu,… để làm chậm tiến triển và cải thiện triệu chứng của bệnh. Tùy vào tình trạng của người bệnh mà sẽ có nhiều phương pháp mới điều trị bệnh Parkinson.
Sử dụng thuốc điều trị
Thuốc chữa Parkinson có thể giúp người bệnh kiểm soát các vấn đề về đi lại, vận động và tình trạng run rẩy. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc để làm tăng hoặc thay thế dopamine như:
- Thuốc đồng vận dopamine.
- Thuốc thay thế dopamine.
- Thuốc ức chế dị hóa dopamine.
- Thuốc kháng tiết cholin.
Phẫu thuật điều trị
Nếu sử dụng thuốc vẫn không thể cải thiện đáng kể các dấu hiệu của bệnh Parkinson thì người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật tương ứng như:
- Làm tổn thương cấu trúc nhỏ trong não để thay đổi chức năng não bộ.
- Phương pháp kích thích não sâu (DBS).
- Phẫu thuật cấy ghép mô thần kinh.
- Sử dụng tia gamma để điều trị.
Phương pháp phục hồi chức năng
Khi bệnh đang ở những giai đoạn đầu, việc sử dụng vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động của bệnh nhân. Vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu với các bài tập thể dục đều đặn có thể giúp người bệnh tăng cường thể lực. Người bệnh Parkinson có thể thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tại nhà để cải thiện khả năng vận động của cơ thể.
Một số phương pháp phòng ngừa bệnh Parkinson ở người cao tuổi
Sau đây là một số phương pháp mà các bác sĩ khuyến khích nên áp dụng để phòng bệnh:
Chăm sóc cho não bộ
- Tránh căng thẳng.
- Tránh thức khuya.
- Hạn chế lo âu trong thời gian dài.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm không tốt cho người cao tuổi, đặc biệt là các loại thức ăn, đồ uống gây ảnh hưởng đến bộ não.
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý.
Theo dõi sức khỏe định kỳ
Đối với những ai có nhiều nguy cơ mắc phải bệnh Parkinson thì việc thăm khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Bằng việc theo dõi định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh kịp thời để có biện pháp can thiệp và phác đồ điều trị Parkinson phù hợp.
Có chế độ ăn uống khoa học nhằm phòng ngừa Parkinson
Một chế độ ăn uống khoa học là khi cơ thể được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như: Rau củ, trái cây và các thực phẩm tốt cho não bộ. Hạn chế không nên ăn các đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tốt hơn hết, gia đình nên tham khảo thêm các thông tin từ các chuyên gia dinh dưỡng về cách xây dựng thực đơn cho người già trên 60 tuổi để có thêm nhiều kiến thức trong việc xây dựng khẩu phần ăn hằng ngày cho ông bà, bố mẹ của mình.
Nhìn chung, bệnh Parkinson là bệnh lý gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời, điều trị và thay đổi chế độ sinh hoạt, người bệnh có thể vẫn hoạt động một cách bình thường. Hi vọng, những thông tin mà Viện dưỡng lão Bình Mỹ chia sẻ trên đây sẽ là cẩm nang hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Nếu như bạn không có nhiều thời gian để chăm sóc người cao tuổi bị sa sút trí tuệ thì hãy liên hệ đến Hệ thống Dưỡng lão Bình Mỹ để được tư vấn và hỗ trợ nhé!
Thông tin liên hệ:
HỆ THỐNG DƯỠNG LÃO BÌNH MỸ
SĐT: 0789 7575 39
Email: vanphong@duonglaobinhmy.com
Địa chỉ: 3D Đ. Số 171, Bình Mỹ, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Website: https://duonglaobinhmy.com/
Tin nổi bật
13 December 2024
06 December 2024